Trong thời đại của tin giả và tin sai sự thật, chúng ta luôn phải xác thực thông tin hay ít nhất là đừng tin vào điều mới nhất mà chúng ta đọc được hay nghe được trên internet. Bên cạnh đó, cũng có những "sự thật hiển nhiên" mà chúng ta từng được dạy khi còn bé hóa ra nó chưa từng đúng. Hay ít nhất là nó từng đúng ở một thời điểm nào đó, nhưng hiện tại đã không còn đúng nữa.
Những sự thật lịch sử đã thay đổi khi ta rời ghế nhà trường
Từ số lục địa, đại dương trên Trái Đất, hay các hành tinh xa xôi, cho đến những kiến thức lịch sử tưởng chừng cơ bản nhưng thường bị hiểu sai, dưới đây là 12 "sự thật" cần được sửa lại trong trí nhớ của bạn (hy vọng là lúc bài viết này được đăng nó vẫn còn đúng).
1. Chúng ta có 5 đại dương
Trái đất chính thức có thêm đại dương thứ 5. Ảnh: Tarpan (Shutterstock)
Trước đây, chúng ta thường được dạy hành tinh này có "năm châu bốn bể" và bốn đại dương gồm Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương. Nhưng mới đây, một đại dương mới có tên Nam Băng Dương (hay Nam Đại Dương) đã được chính thức công nhận là đại dương thứ năm trên Trái Đất. Hay đúng hơn là trước giờ nó vẫn có ở đó, bao quanh Nam Cực, chỉ là chúng ta chưa thừa nhận sự độc lập của nó. Nhưng các chuyên gia bản độ của National Geographic cho rằng giờ đến lúc để công nhận nó. Và nếu các chuyên gia đã thừa nhận Trái Đất có 5 đại dương, thì tôi cũng vậy.
2. Chúng ta cũng có thêm một lục địa mới
Tính cả những "lục địa" đã chìm trong nước từ 23 triệu năm trước, thì câu trả lời là 8 lục địa. Ảnh: The Sun.
Một lần nữa, "năm châu bốn bể" cũng đã không còn chính xác ở vế đầu tiên. Đố bạn biết Trái Đất có bao nhiêu lục địa? Nếu bạn hỏi "chị Google" câu trả lời có thể là "bảy", nhưng cũng có thể khác tùy vào người trợ giúp bạn là ai. Mặc dù vậy, Google cũng tiết lộ rằng câu hỏi này có quá nhiều đáp án:
Tám hay bảy? Năm hay bảy? Chín? Mười hai?
Chắc chắn câu trả lời nhỏ hơn con số 12 rồi. Theo một nhóm các nhà địa chất học muốn tính cả những "lục địa" đã chìm trong nước từ 23 triệu năm trước, thì câu trả lời là 8 lục địa. Theo EarthSky:
"Họ cho biết lục địa ẩn trên Trái Đất là một vùng đất ngập nước bên dưới New Zealand và New Caledonia – là một phần nhô lên từ đáy đại dương có diện tích khoảng 2/3 nước Úc – được đặt tên là Zealandia".
3. Sao Diêm Vương có phải là hành tinh?
Năm 2006, sao Diêm Vương bị giáng cấp xuống thành hành tinh lùn. Ảnh: buradaki (Shutterstock)
Đây cũng là câu hỏi được tìm kiếm khá nhiều trên Google. Nhiều người trong số chúng ta vẫn đang băn khoăn vì hầu như họ đều được dạy rằng sao Diêm Vương là một hành tinh trong hệ Mặt Trời, bắt đầu từ sao Thủy ở gần Mặt Trời nhất và xa nhất là sao Diêm Vương.
Nhưng sau đó, vào tháng 8/2006, Liên minh Thiên văn Quốc tế (IAU) đà bỏ phiếu quyết định hạ cấp sao Diêm Vương xuống thành "hành tinh lùn". Lý do khiến các nhà khoa học đưa ra quyết định này là vì khi các kính thiên văn ngày càng hiện đại, chúng ta có thể nhìn được xa hơn, rõ nét hơn. Và chúng ta phát hiện ra rằng sao Diêm Vương nhỏ hơn nhiều so với kích thước giả định ban đầu (thậm chí còn nhỏ hơn cả Mặt Trăng) và có những thứ khác to hơn phía sau nó.
Nhưng sẽ thật tồi tệ khi quăng nó vào một góc nên các nhà khoa học quyết định xếp nó vào loại "hành tinh lùn".
4. Phù thủy ở Salem không bị thiêu sống trên cọc
Ở Salem, phù thủy không bị thiêu sống mà là bị treo cổ. Ảnh: Kiselev Andrey Valerevich (Shutterstock)
Tôi biết rằng nhiều bạn sẽ thắc mắc về sự thật này vì bài viết đang nói về khoa học, nhưng tôi phải cho bạn biết một chút về lịch sử rằng phù thủy không bị thiêu sống ở Salem… mà là bị treo cổ. Dù không hẳn là một phương pháp hành quyết tốt đẹp gì nhưng dù sao cũng đỡ ghê rợn hơn thiêu sống. Trang History.com đã làm rõ sự thật này:
"Hai mươi người đã bị xử tử với cáo buộc là phù thủy, nhưng khác với những thông tin được lan truyền, không có bất cứ ai bị thiêu trên cọc. Theo quy định trong luật pháp Anh, 19 nạn nhân của Phiên tòa Phù thủy Salem đã bị đưa đến đồi Gallows và xử tử bằng cách treo cổ. Trong khi đó, ông Giles Corey đã bị đè dưới những đá lớn đến chết sau khi từ chối thừa nhận có tội hay vô tội. Và còn nhiều nạn nhân khác bị cáo buộc là phù thủy đã chết trong tù trong thời gian chờ xét xử.
Những câu chuyện thần thoại về việc thiêu sống ở Salem lấy cảm hứng từ các phiên tòa xét xử phù thủy ở khắp châu Âu, những nơi hành quyết bằng lửa, là một việc đáng lo ngại. Các bộ luật thời Trung cổ, như Constitutio Criminalis Carolina, quy định rằng phù thủy độc ác phải bị trừng phạt bằng lửa; và người đứng đầu nhà thờ cùng chính quyền địa phương sẽ giám sát việc hỏa thiêu phù thủy trên khắp các vùng mà ngày nay là Đức, Ý, Scotland, Pháp và Scandinavia. Các nhà sử học ước tính rằng hoạt động săn phù thủy một cách cuồng loạn đã lên đến đỉnh điểm vào khoảng giữa thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, có khoảng 50.000 người đã bị xử tử với cáo buộc là phù thủy ở châu Âu".
Công bằng mà nói thì một số "phù thủy" ở châu Âu bị xử tử bằng cách hỏa thiêu, một số khác thì bị treo cổ hay chặt đầu trước rồi mới hỏa thiêu cơ thể để "bảo vệ khỏi ma thuật tử thi".
5. Brontosaurus có đúng là brontosaurus không?
Thật ra, loài brontosaurus mà chúng ta biết lại chính là apatosaurus. Ảnh: 3dmotus (Shutterstock)
Khi nhắc đến "brontosaurus", nhiều bạn sẽ nghĩ ngay đến một chú khủng long chân thằn lằn (sauropod) có phần cổ và đuôi dài. Đó là một trong số ít các loài khủng long chúng ta thường được học hồi còn bé, hay ít nhất với tôi là vậy, cùng với đó là T-rex, khủng long ba sừng triceratops, thằn lằn bay pterodactylus và stegosaurus. Nhưng thật ra, loài brontosaurus mà chúng ta biết lại chính là apatosaurus. Có phải vậy không?
Trang Scientific American giải thích rằng:
"Cá thể đầu tiên của chi Brontosaurus được đặt tên vào năm 1879 bởi nhà cổ sinh vật học nổi tiếng Othniel Charles Marsh. Mẫu vật hiện vẫn được trưng bày tại đại sảnh Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Peabody của Yale. Tuy nhiên, vào năm 1903, nhà cổ sinh vật học Elmer Riggs nhận thấy rằng chi Brontosaurus dường như giống với chi Apatosaurus đã được Marsh đã mô tả lần đầu tiên vào năm 1877. Trong những trường hợp như vậy, các quy tắc đặt danh pháp khoa học ưu tiên cái tên lâu đời nhất, nên Brontosaurus một lần nữa lại biến mất".
Vậy thì tại sao các nhà khoa học đã thay đổi thông tin từ năm 1903 nhưng những thế hệ ở thập niên 80, 90 vẫn lớn lên với kiến thức về một loài khủng long chưa từng tồn tại? Thật ra thì dường như các viện bảo tàng siêu chậm chạp trong việc thay đổi thông tin và một số thậm chí còn không đồng ý thay đổi thông tin. Hình ảnh và tên tuổi của chúng đã tồn tại trong nền văn hóa đại chúng và được tạo ấn tượng bởi bộ phim Fantasia (1940) và The Land Before Time (1988) của Disney sản xuất.
May mắn thay, vào năm 2015, một nhà cổ sinh vật học khác đã quyết định rằng thật ra có đủ điểm khác biệt giữa hai nhóm hóa thạch này để phân biệt chúng thành hai chi khác nhau. Vì vậy, brontosaurus thật sự có tồn tại. Chắc là vậy…
6. Các electron không quay quanh hạt nhân
Obitan hay đám mây electron là những khu vực với hình dạng kỳ lạ có khả năng có electron cao nhất. Ảnh: Sergey Nivens (Shutterstock)
Kiến thức này đến từ biên tập viên cấp cao nội dung Y học của Lifehacker, Beth Skwarecki, là người biết rất, rất nhiều kiến thức. Beth cho biết:
"Nếu bạn nghĩ rằng các electron quay xung quanh hạt nhân của chúng theo quỹ đạo như các hành tinh quay quanh Mặt Trời, thì rất tiếc tôi phải cho bạn biết rằng ý nghĩ đó, còn gọi là mô hình Bohr, đã bị coi là lỗi thời từ những năm 1920. Nhưng hiện nó vẫn được dùng để dạy trong sách vì nó dễ giải thích hơn những gì các nhà khoa học thực sự nghĩ về cách các electron chuyển động.
Việc nguyên tử có hạt nhân được cấu tạo từ proton và neutron vẫn được xem là đúng, và các electron có xu hướng ở đâu đó giữa những hạt này. Nhưng chính xác là ở đâu? Thật ra chúng ta không thể biết chính xác. Thay vì vậy, các nhà khoa học sẽ nói về ‘obitan' hay ‘đám mây electron', là những khu vực với hình dạng kỳ lạ có khả năng có electron cao nhất".
7. Tai và mũi không hề phát triển suốt cả đời
Thật ra, tai và mũi có to hơn theo thời gian, nhưng là nhờ vào trọng lực. Ảnh: Magomed Magomedagaev (Shutterstock)
Có thể bạn đã từng học hay từng nghe rằng chúng ta sống với đôi tai và chiếc mũi phát triển ngày qua ngày đến lúc qua đời, và bạn thấy điều này cũng có lý khi những người lớn tuổi có tai và mũi khá to. Sự thật hoàn toàn không phải như vậy. Thật ra, tai và mũi có to hơn theo thời gian, nhưng là nhờ vào trọng lực.
Trang Discovery.com giải thích rằng:
"Khi bạn lớn tuổi, trọng lực làm cho sụn tai và mũi bị lệch và chảy sệ. Điều này khiến tai và mũi bị kéo xuống dài hơn. Các nghiên cứu ước tính rằng tai sẽ dài ra khoảng 0,22 mm/năm. Sự thay đổi này xuất hiện ở cả nam và nữ, vì vậy nó là một trong những biểu hiện chung của sự già đi".
Vì vậy, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ có đôi tai và chiếc mũi chảy sệ, nhưng không phải vì lý do chúng ta vẫn tưởng.
8. Không thể nhìn thấy Vạn lý trường thành của Trung Quốc từ vũ trụ
Sự thật là, Vạn lý trường thành của Trung Quốc không thể nhìn thấy từ không gian. Ảnh: aphotostory (Shutterstock)
Vạn lý trường thành của Trung Quốc được cho là công trình nhân tạo duy nhất có thể nhìn thấy từ vũ trụ. Nhưng sự thật là không thể. Bạn có thể nhìn thấy bức tường nếu bạn ở độ cao đủ thấp và với điều kiện thời tiết, ánh sáng phù hợp. Dù vậy, các phi hành gia cho biết vật liệu của bức tường khiến nó bị hòa lẫn với môi trường xung quanh nên khó có thể xác định bằng mắt thường.
Tuy nhiên, các phi hành gia cũng cho biết họ có thể nhìn thấy những con đường, đường băng sân bay, hệ thống kênh ngòi và cầu làm bằng những loại vật liệu có màu sắc nổi bật so với môi trường xung quanh.
Thú vị hơn, toàn bộ ý nghĩ này xuất hiện và được đồn đại trước cả khi con người thật sự ra ngoài không gian. Scientific American sẽ giải thích rõ hơn:
"Thông tin sai lệch về khả năng nhìn thấy bức tường thành xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước. Bộ phim hoạt hình Ripley's Believe It or Not! (1932) cho rằng bức tường là ‘công trình vĩ đại nhất của con người, công trình duy nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ Mặt Trăng'. Niềm tin này vẫn tồn tại cho đến Thời đại Không gian. Khi Neil Armstrong quay trở về từ Mặt Trăng năm 1969, ông liên tục được hỏi rằng ông có thể nhìn thấy nó không".
Nếu thông tin này xuất phát từ một bộ phim hoạt hình sản xuất năm 1932 thì chắc là đúng rồi…
9. Châu Âu thời Trung cổ khác rất nhiều so với suy nghĩ của bạn
Bạn hãy thử tưởng tượng châu Âu thời Trung cổ theo ý mình. Bạn có nghĩ rằng nó sẽ có những con đường bẩn thỉu, đầy bùn đất không? Những loại thực phẩm nhạt nhẽo được ăn bằng đĩa và không hề có phép tắc gì (đó là chưa nhắc đến hàm răng rất tởm)? Liệu người dân có ném rác ra ngoài cửa sổ, bên dưới là lợn và gà chạy đầy đường phố? Hay có những cuộc chiến kéo dài liên miên với các hiệp sĩ bên trong những bộ giáp nặng đến kỳ cục?
Thật ra, hầu hết những thông tin trên đều sai. Dưới đây là những gì được "Fake History Hunter" mô tả lại:
"Thời kỳ này kéo dài khoảng 1000 năm và cuộc sống rất khác biệt ở những thời điểm và địa điểm khác nhau, vì vậy sẽ thật ngớ ngẩn và rất khó để đưa ra một nhận định chung về thời kỳ này. Tuy nhiên, khi nói về châu Âu thời Trung cổ, có rất nhiều bộ phim lấy bối cảnh thời kỳ này và nhiều thông tin được chúng đưa ra hoàn toàn không chính xác.
Và đúng là một số thông tin vẫn đang được dạy trong các trường học nên nó vẫn còn khá phổ biến. Đa số những quan niệm không đúng này đến từ các nhà văn và sử gia thời Victoria, họ phản ánh xã hội thời Victoria thông qua cách họ nghĩ về cuộc sống thời Trung cổ".
10. Bướu lạc đà không phải để trữ nước
Mỡ mới là thứ được tích trữ trong bướu lạc đà. Ảnh: Shengyong Li (Shutterstock)
Ai đã dạy cho chúng ta rằng bướu lạc đà để tích trữ nước vậy nhỉ? Rõ ràng ai cũng biết không hề có nước trong chiếc bướu đó. Nhưng khi còn là một đứa trẻ, tôi dễ dàng chấp nhận và tin vào điều này. Theo Library of Congress, lạc đà uống rất nhiều nước, mỗi lần có thể uống đến 75 lít nước và chúng sẽ trữ nước trong máu để có thể kéo dài thời gian giữ nước trong cơ thể giữa những lần uống nước.
Mỡ mới là thứ được tích trữ trong bướu lạc đà và chúng sẽ lấy năng lượng từ số mỡ đó khi thức ăn khan hiếm. Trang Library of Congress giải thích rằng:
"Nếu lạc đà sử dụng mỡ trong cái bướu của nó, cái bướu sẽ mềm và xẹp xuống. Sau khi được ăn uống và nghỉ ngơi đủ, chiếc bướu sẽ trở lại bình thường".
Bọn lạc đà gọn gàng đấy chứ, chúng tích hết mỡ vào một chỗ.
11. Con người có nhiều hơn 5 giác quan
Chúng ta thật sự có rất nhiều giác quan khác nhau. Ảnh: polinaloves (Shutterstock)
Xúc giác, thị giác, thính giác, khứu giác và vị giác, đó là năm giác quan của con người đúng không? Đúng vậy, đó là năm giác quan chính, năm cái cơ bản nhất. Ngoài ra, chúng ta còn có nhiều giác quan khác mà ít người thật sự để tâm đến nó. Đầu tiên, như trang LiveScience chỉ ra, chúng ta có giác quan không gian (hay giác quan cơ thể - proprioception):
"Giác quan cơ thể bao gồm cảm giác về chuyện động và vị trí của các chi và cơ bắp của chúng ta. Ví dụ, giác quan cơ thể giúp chúng ta đưa tay chạm vào môi hay mũi của mình ngay cả khi nhắm mắt. Nó cho phép chúng ta bước lên cầu thang mà không cần nhìn từng bậc. Những người có giác quan cơ thể kém thường vụng về và khó phối hợp các chi".
Ngoài ra, chúng ta còn có giác quan cân bằng, nhiệt độ, đau đớn, đói, khát và nhiều thứ khác nữa. Chúng ta thật sự có rất nhiều giác quan khác nhau!
12. Hạt mưa không hề có hình dạng giọt nước mắt
Chính xác thì chúng có hình giống lớp vỏ trên của chiếc bánh hamburger, hay một hạt đậu. Ảnh: Niyom Napalai (Shutterstock)
Thật ra, giọt nước mưa có hình dạng như… một cái vỏ bánh hamburger vậy!
Về cơ bản, tất cả hình minh họa mà bạn thấy về một hạt mưa có hình giọt nước mắt từ trước đến nay đều là giả dối. Chính xác thì chúng có hình giống lớp vỏ trên của chiếc bánh hamburger, hay một hạt đậu. Ban đầu, chúng có hình cầu nhưng khi rơi xuống, sức căng bề mặt sẽ khiến chúng tay đổi hình dạng. Hãy cùng xem NASA giải thích như thế nào:
"Khi một giọt nước mưa rơi xuống, nó bị mất hình cầu ban đầu. Giọt nước mưa sẽ trông như nửa cái vỏ bánh hamburger bên trên. Dẹt ở mặt dưới và hình vòm ở mặt trên, nó có thể có những hình dạng khác nhưng chắc chắn không có hình dạng của một giọt nước mắt thường thấy. Lý do là vì tốc độ rơi của giọt nước mưa trong không khí. Lực do không khí tác động lên giọt nước mưa ở mặt dưới lớn hơn mặt trên. Ở mặt trên, sự rối loạn tuần hoàn không khí nhỏ tạo ra áp suất không khí thấp hơn. Sức căng bề mặt sẽ giữ mặt trên giọt nước mưa có hình cầu, trong khi đó mặt dưới sẽ phẳng hơn.
Ngay cả khi giọt mưa đang rơi, nó sẽ va chạm với các giọt khác và tăng kích thước. Một khi đạt kích thước quá lớn, nó sẽ vỡ ra trong khí quyển và lại trở thành những giọt nhỏ hơn. Lần này, sức căng về mặt mất đi nên giọt mưa lớn bị vỡ ra."
Vì vậy, lần tới bạn định chụp ảnh dưới mưa, bạn có thể ghép hàng triệu chiếc bánh hamburger đang rơi xuống.
Theo VnReview
Tags:
Khoa Học - Đời Sống