Rất nhiều game thủ sử dụng, nhưng không phải ai cũng hiểu nguồn gốc của những thuật ngữ này đâu nhé.
Ngày nay, chỉ cần lướt qua các quán cafe, quán net và chịu khó bỏ thời gian theo dõi các game thủ, chắc hẳn không ít người sẽ nghe thấy những cụm từ như "phá đảo", "gà"... và còn nhiều những thuật ngữ khác nữa. Dùng quen mồm là vậy, thế nhưng không phải ai cũng hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa thật sự của những cụm từ này. Người ta có thể hiểu "phá đảo" là khi bạn đã vượt qua được hết các thử thách của game, còn "gà" là để ám chỉ những người chơi có trình độ kỹ năng kém. Tuy nhiên, tại sao lại có những cụm từ này, chắc phải ngược dòng thời gian về lâu lắm và chỉ lứa game thủ thế hệ 8-9x mới hiểu được.
Gà
Khi muốn chỉ trích một ai đó sở hữu kỹ năng kém cỏi trong game, đa số người chơi Việt thường dùng ngay cụm từ "gà". Và có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao con gà lại bị mang ra so sánh ở đây không. Nếu muốn hiểu, chắc chúng ta phải quay lại cái thời mà Gunbound vẫn còn đang là một trong những trò chơi hot nhất trong làng game Việt.
Bảng xếp hạng rank của Gunbound thời điểm đầu
Nhìn vào bức ảnh phía trên, có thể thấy bảng xếp hạng rank của Gunbound sẽ có mức xuất phát điểm là hình của một chú gà con, và chỉ khi nào kiếm được 1100 GP thì bạn mới tiến hóa lên mốc "búa gỗ" mà thôi. Thế nên, ở thời điểm bấy giờ, nếu như gặp phải một đối thủ có hình "gà con" trong game, đa số người chơi đều mặc định luôn đó là những gã có kỹ năng tệ hại, và từ đó, thuật ngữ gà ra đời.
Phá đảo
Hoàn thành hết các thử thách trong game, đa số đều sẽ thoải mái thốt lên rằng "Tôi phá đảo" rồi. Và nguồn gốc của từ phá đảo hóa ra lại xuất phát từ một tựa game rất nổi tiếng: Contra.
Theo đó, nếu như đã hoàn thành xong toàn bộ các thử thách của tựa game có độ khó rất cao này, màn hình sẽ hiện ra quang cảnh của một hòn đảo đang nổ tung còn người chơi thì đã lên trực thăng đào tẩu - điều chứng minh rằng bạn đã xuất sắc trong việc phá bỏ toàn bộ căn cứ của địch. Cũng kể từ đó, thuật ngữ phá đảo đã ra đời - đơn giản phải không nào.
Ra chợ
Ngược dòng thời gian về những năm 2000, khi thấy hai đứa trẻ rủ nhau "Ra chợ không" rồi chui tọt vào hàng net, đừng lấy đấy làm điều lạ. Vì chợ ở đây không phải ra để mua rau, thức ăn mà đơn giản, đó là cách nói để rủ nhau đi bắn Counter Strike, hay còn được gọi là Half Life ở thời đấy.
Vì ở thế hệ ấy, các game thủ Việt không chơi những map đặt bom như Dust mà chỉ có de_Italy mới là chân lý thôi. Trong bản đồ Italy ấy, địa điểm trung gian, nằm ở giữa hai phe trộm và cảnh sát chính là chợ - và đó cũng là nơi diễn ra những trận giành địa bàn, combat đẫm máu chứ không phải lối chơi giải cứu con tim như đúng với tính chất của bản đồ. Cũng từ đó, "ra chợ" cũng trở thành một thuật ngữ quen thuộc của giới game thủ.
Theo TTT